2 khái niệm công chứng và chứng thực mặc dù rất phổ biến và hiện hữu ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống. Thế nhưng vẫn còn nhiều bạn có thắc mắc về những điểm khác nhau cơ bản của 2 hình thức này.
Đặc biệt, các thông tin hiện có trên mạng chưa cập nhật được thay đổi mới nhất về quy định của 2 hình thức này, Luật Công Chứng 2014 và Nghị Định 23/2015/NĐ-CP Về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, đều có hiệu lực từ tháng 1/2015.
Sau đây Ezlaw sẽ đưa ra một vài những điểm khác nhau cơ bản để giúp các bạn hiểu rõ hơn khi nào phải sử dụng công chứng và khi nào sử dụng chứng thực.
KHÁI NIỆM
Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của những văn bản mà luật pháp yêu cầu phải có công chứng hoặc do cá nhân/tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng, kể cả những văn bản được dịch từ tiếng việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại.
Điều 2 Luật Công chứng số 53/2014/QH13
Và việc công chứng phải do công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được bổ nhiệm để hành nghề.
Điều 8 Luật Công chứng số 53/2014/QH13
*Lưu ý: bản dịch các văn bản công chứng phải được dịch bởi cộng tác viên của các văn phòng công chứng để đảm bảo tính hợp pháp và chính xác của nội dung công chứng.
Chứng thực là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính, hoặc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực. Có 4 loại chứng thực:
- “Cấp bản sao từ sổ gốc”
- “Chứng thực bản sao từ bản chính”
- “Chứng thực chữ ký”
- “Chứng thực hợp đồng, giao dịch”
CÁC LOẠI VĂN BẢN
Công chứng:
Những hợp đồng, giao dịch có liên quan tới nhà đất như việc chuyển nhượng đất, mua bán hay cho thuê nhà ở là những văn bản pháp luật yêu cầu phải có công chứng mới được công nhận giá trị pháp lý.
Xem danh sách những loại hợp đồng đó tại đây.
Chứng thực:
Những văn bản không thuộc danh sách những văn bản bị cấm tại điều 22 của Nghị Định đều có thể được chứng thực sao y bản chính. Với việc chứng thực chữ ký, CMND và Hộ Chiếu có chữ ký xuất trình phải là thật, văn bản không thuộc loại văn bản bị cấm (Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 25)
THẨM QUYỀN
Công chứng: có 2 hình thức
Phòng công chứng do Uỷ ban tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Người đại diện theo pháp luật là Trưởng phòng, phải là công chứng viên và do Chủ tịch Uỷ ban tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Chứng thực: Điều 5, Nghị Định 23/2015/NĐ-CP
Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể chứng thực:
- bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài,
- chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản hoặc chữ ký người dịch văn bản đó;
- chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản/di sản.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thể chứng thực:
- bản sao từ bản chính các văn bản bằng tiếng việt hoặc được cấp/chứng nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam,
- chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt (không chứng thực được chữ ký người dịch),
- chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản/quyền sử dụng đất/giao dịch về nhà ở/di chúc.
Cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thể chứng thực:
- bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài,
- chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài;
- chữ ký người dịch trong các bản dịch.
Ngoài ra, công chứng viên cũng có thể thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký tương đương thẩm quyền của Phòng Tư pháp, trừ việc công chứng bản dịch phải được thực hiện theo quy định của Luật công chứng.
*Lưu ý: Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.
GIÁ TRỊ PHÁP LÝ
Qua những thông tin trên, chúng ta thấy rõ công chứng bảo đảm nội dung của một hợp đồng, một giao dịch - công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó và qua việc bảo đảm tính hợp pháp để giảm thiểu rủi ro. Còn chứng thực chỉ thực hiện đối với bản sao, đối với chữ ký trong các giấy tờ của người yêu cầu hay chứng thực sự việc và người chứng nhận không đề cập đến nội dung.
Công chứng hợp đồng, giao dịch do cơ quan bổ trợ tư pháp (cụ thể là: Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng) thực hiện. Còn chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký do cơ quan hành chính Nhà nước (UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện) thực hiện.