Tài liệu cần thu thập :
– Sổ cái và sổ chi tiết các tài khoản liên quan TSCĐ; Báo cáo tài chính, bảng cân đối số phát sinh.
– Danh sách chi tiết TSCĐ tăng, thanh lý, chuyển nhượng, giảm khác trong kỳ theo từng loại
– Bảng khấu hao TSCĐ trong kỳ
– Chứng từ liên quan đến TSCĐ trong kỳ
- Đối chiếu số liệu
– Đối chiếu số liệu trên BCTC và bảng CĐSPS, số liệu trên sổ tổng hợp, sổ chi tiết, số liệu trên sổ kế toán với bảng tính khấu hao… đối với từng loại TSCĐ. Lưu ý đối chiếu số liệu đầu năm với số liệu cuối năm trước.
- Kiểm tra các chính sách kế toán
– Xem xét xem chính sách kế toán áp dụng cho TSCĐ có phù hợp với quy định hay không (chuẩn mực kế toán về TSCĐ, thông tư hướng dẫn quản lý và trích khấu hao TSCĐ…)
– Xem xét nếu có sự thay đổi chính sách kế toán giữa 2 năm gần nhau (nếu không phải do thay đổi về chính sách của Nhà nước, thì cần phải phỏng vấn mục tiêu của doanh nghiệp khi thực hiện hành động này và xác định tính đúng đắn khi áp dụng chính sách này)
- Thủ tục phân tích
– Xem xét sự hợp lý và nhất quán với năm trước của về số liệu TSCĐ. Nếu có biến động bất thường cần tìm hiểu.
– Kiểm tra tổng hợp đối ứng các tài khoản TSCĐ, xác định đối ứng bất thường nếu có
– Kiểm tra chi phí khấu hao: So sánh chi phí khấu hao TSCĐ kỳ này với kỳ trước, với kế hoạch, chi phí giữa các tháng hoặc quý trong năm/kỳ. Nếu có biến động bất thường cần tìm hiểu làm rõ.
– Từ phân tích số liệu đã có thể có cơ sở cho việc kiểm tra chi tiết.
- Kiểm tra chi tiết
– Nếu là năm đầu tiên kiểm toán, thu thập BCTC đã kiểm toán năm trước (nếu có) để đối chiếu số dư đầu năm, nếu cần thiết có thể xem xét chứng từ gốc để xác nhận số dư hoặc đề nghị xem xét hồ sơ kiểm toán năm trước (việc này thường chỉ thực hiện đối với khách hàng rất lớn và có sự hợp tác từ phía công ty kiểm toán năm trước, trong trường hợp thực sự cần thiết).
– Thu thập bảng kê chi tiết TSCĐ và đối chiếu với Biên bản kiểm kê TSCĐ có sự chứng kiến của kiểm toán viên. Nếu đơn vị không kiểm kê hoặc Kiểm toán viên không chứng kiến kiểm kê thì có thể chọn một số TSCĐ có giá trị lớn để kiểm kê tại thời điểm kiểm toán.
– Kiểm tra chứng từ gốc các TSCĐ tăng trong kỳ có đầy đủ và phù hợp, trong đó lưu ý:
+ Với TSCĐ hình thành từ XDCB: kiểm tra số liệu kết chuyển tương ứng từ tài khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang, kiểm tra các biên bản bàn giao đưa vào sử dụng và thời điểm tính khấu hao.
+ Đối với TSCĐ thuê tài chính : kiểm tra việc ghi nhận là TSCĐ thuê tài chính phù hợp với VAS 06; kiểm tra xác định nguyên giá, bao gồm gốc/lãi thuê… có chính xác hay không
+ Đối với TSCĐ do trao đổi: kiểm tra hạch toán nguyên giá tài có phù hợp với VAS 03 và VAS 04 hay không
– Kiểm tra chứng từ gốc liên quan đến TSCĐ giảm trong kỳ (quyết định thanh lý, điều chuyển nội bộ, hóa đơn,…), kiểm tra hạch toán giảm cách xác định lãi/lỗ thanh lý, nhượng bán TSCĐ…
– Kiểm tra khấu hao:
+ Đảm bảo bảng tính khấu hao đã bao gồm tất cả TSCĐ, tổng nguyên giá, giá trị hao mòn lũy kế, giá trị còn lại khớp với số liệu trên BCTC, có như vậy mới đảm bảo dữ liệu đáng tin cậy để xử lý.
+ Kiểm tra thời gian/tỷ lệ khấu hao TSCĐ có hợp lý, khung thời gian có hợp lệ so với quy định hiện hành hay không, có nhất quán với năm trước không (thu thập Bảng tính khấu hao năm trước để đối chiếu, có thể vận dụng các hàm tìm kiếm thông dụng trong Excel như Vlookup, Hlookup để thực hiện…)
+ Chọn mẫu hoặc tính lại toàn bộ chi phí khấu hao ( việc nghĩ hàm tính khấu hao là công việc phức tạp và vui vẻ nhất trong phần hành này)
- Rà soát toàn bộ: đọc lướt qua sổ kế toán chi tiết để xác định không bỏ sót những nghiệp vụ bất thường.
- Kiểm tra trình bày và công bố
– Xem xét xem việc trình bày và công bố khoản mục TSCĐ trên BCTC có phù hợp với Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán đã tuyên bố áp dụng hay không.
– Kiểm tra các thông tin cần trình bày trên Thuyết minh BCTC: tổng hợp tình hình tăng giảm TSCĐ, giá trị hao mòn lũy kế, giá trị còn lại của TSCĐ , giá trị tài sản cầm cố, thế chấp, giá trị đầu tư XDCB dở dang chi tiết theo công trình, dự án hoặc hạng mục công trình, dự án…
- Thử nghiệm hệ thống kiểm soát (theo công bố của đơn vị được kiểm toán) và thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung (nếu cần thiết).
- Sai sót thường gặp
+ Xác định nguyên giá TSCĐ không đúng, đối với TSCĐ do đơn vị tự xây dựng nhưng ghi nhận vào nguyên giá cả những chi phí không liên quan trực tiếp đến việc đưa TSCĐ vào sử dụng, chi phí vượt quá mức bình thường, chi phí đào tạo nhân viên vận hành tài sản, lãi nội bộ … Ví dụ như có được coi Tú Linh MU là tài sản của nhà đài được không
+ Chi phí có liên quan đến việc trực tiếp đến việc đưa TSCĐ vào sử dụng hoặc chi phí nâng cấp TSCĐ không được ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ mà hạch toán vào các chi phí SXKD trong kỳ…
+ Chọn phương pháp khấu hao không phù hợp, xác định chi phí khấu hao không chính xác…
+ Tính vào chi phí được trừ khi xác định chi phí tính thuế TNDN cả phần chi phí khấu hao theo quy định không được trừ (theo luật thuế TNDN)
Ngoài ra, tùy theo xét đoán của kiểm toán viên, các bạn có thể sử dụng các thủ tục khác để đảm bảo kết luận của mình là đúng đắn xét trên khía cạnh trọng yếu của khoản mục.
- Một vài tình huống thực tế đã trải qua
– Một khách hàng ở Thanh Hóa, là một công ty xây dựng, chuyên thi công các công trình thường là đường giao thông, thuê công ty mình kiểm toán 2 năm. Tài sản cố định của công ty này phần lớn là xe ô tô và máy xây dựng như máy ủi, máy nghiền đá, máy lu bánh thép, máy lu rung, máy xúc…và chọn thời gian khấu hao là 5 năm với lập luận các tài sản này thuộc loại Máy móc, thiết bị công tác khác. Mình thì cho rằng đây là các tài sản thuộc nhóm Máy móc thiết bị xây dựng và thời gian khấu hao tối thiểu theo Thông tư 45/2013/TT-BTC là 8 năm.
Việc chọn khấu hao 5 năm của đơn vị là nhằm đẩy cao chi phí khấu hao (khấu hao 4,5 tỷ đồng/năm đối với các tài sản này) và giảm thuế TNDN phải nộp. Sau khi tính toán lại, thì chi phí khấu hao đối với các tài sản này trong năm chỉ còn 2,6 tỷ/năm và phải tính nộp thêm thuế TNDN là 426 triệu đồng/năm. Trước bảng tính này đơn vị cũng phải chấp nhận điều chỉnh theo ý kiến kiểm toán, đem nộp thuế và tiền phạt chậm nộp vào NSNN.
– Một doanh nghiệp có vốn nhà nước có trụ sở tại Vĩnh Phúc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu vệ sinh, năm 2009 được Bộ Tài chính cho phép trích khấu hao theo sản lượng sản xuất thực tế trong thời gian Ngân hàng khoanh nợ vay. Doanh nghiệp này đã thực hiện trích khấu hao theo sản lượng sản xuất so với kế hoạch sản xuất từng tháng cho tất cả các TSCĐ của mình, bao gồm nhà cửa vật kiến trúc, tài sản thuê tài chính, phương tiện vận tải, thiết bị quản lý….với tổng chi phí khấu hao 1 năm là 1,62 tỷ đồng.
Mình kiểm toán TSCĐ doanh nghiệp này năm 2011, khi đó áp dụng theo Thông tư 203/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc khấu hao theo phương pháp sản lượng chỉ được áp dụng đối với máy móc thiết bị và thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện (Trực tiếp liên quan đến việc sản xuất sản phẩm;
Xác định được tổng số lượng, khối lượng sản phẩm sản xuất theo công suất thiết kế của tài sản cố định; Công suất sử dụng thực tế bình quân tháng trong năm tài chính không thấp hơn 50% công suất thiết kế). Thực tế mà nói thì doanh nghiệp này không đủ điều kiện khấu hao theo sản lượng, bởi dây truyền sản xuất bao gồm nhiều bộ phận, đã thay đổi, nâng cấp một số hạng mục, do vậy không xác định được công suất theo thiết kế của nhà sản xuất. Khi tính toán khấu hao thì mình chỉ tính khấu hao sản lượng đối với máy móc thiết bị trực tiếp tham gia vào sản xuất (xuống xưởng để kiểm tra từng loại máy), tạm áp dụng theo sản lượng sản xuất thực tế và kế hoạch (kết hợp với KTV phần hàng tồn kho để xác định số lượng thành phẩm nhập trong tháng), còn lại các tài sản khác tính theo phương pháp đường thẳng. Kết quả sau khi xác định lại thì năm 2011 doanh nghiệp này tính thiếu khấu hao 3,8 tỷ đồng và đồng ý điều chỉnh theo kết quả kiểm toán.
Nguồn: auditboy.com