Thuật ngữ pháp nhân (dùng cho tổ chức) dùng để phân biệt với thể nhân (dùng cho con người). Theo luật pháp Việt Nam, một doanh nghiệp, tổ chức được coi là có tư cách pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập hợp pháp;
- Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
- Có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý khác như kinh tế, xã hội…
Những doanh nghiệp, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không có tài sản độc lập; có nghĩa là tài sản của chủ doanh nghiệp và tải sản của doanh nghiệp không được tách bạch rõ ràng. Trong trường hợp đó, tuy tài sản được tạo lập trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp, nhưng chủ doanh nghiệp cũng sẽ phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối vơi mọi hoạt động của doanh nghiệp. Đó chính là nhược điểm.
Hãy thử tưởng tượng, khi doanh nghiệp nợ tiền, nếu doanh nghiệp đó có tư cách pháp nhân, thì chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm giới hạn trong phần vốn mà anh ta đã bỏ vào doanh nghiệp. Số nợ còn lại sẽ không phải là trách nhiệm của anh ta. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, thì chủ doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trả toàn bộ nợ của doanh nghiệp bằng chính tài sản của bản thân, cho dù có nhiều hơn phần vốn anh ta đã bỏ vào doanh nghiệp đó.
* Lưu ý rằng: Tại Việt Nam. tuy công ty hợp danh có tư cách pháp nhân, nhưng thành viên hợp danh của loại hình doanh nghiệp này vẫn chịu trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động của công ty.
Nguồn: http://www.ezlawblog.com/